Tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo tổ chức UNICEF Việt Nam, UNESCO tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng thế giới; lãnh đạo một số đại học/trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đại diện một số Sở GDĐT. Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Viettel, VNPT, FPT, AIC, MISA; Microsoft Việt Nam và các chuyên gia có uy tín cũng đến dự Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GDĐT
Thực hiện mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
Với quy mô hơn 53.000 cơ sở GDĐT, 24 triệu học sinh sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành Giáo dục xác định thực hiện tốt chuyển đổi số sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số.
“Ngành Giáo dục rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng nhìn nhận, dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu mở đầu Hội thảo
Chia sẻ về những việc cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, người đứng đầu ngành Giáo dục cho rằng, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.
“Với sự hỗ trợ của CNTT, các phần mềm hiện đại, rất nhiều hoạt động giáo dục truyền thống sẽ dần dần được thay bởi phần mềm, công nghệ mô phỏng... Kết nối giáo dục sẽ được mở rộng không chỉ trong nước mà tới toàn cầu. Việt Nam muốn đi xa, đi một cách chắc chắn trên con đường phát triển trong thời đại công nghệ 4.0, thì phải trang bị tốt kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ cho từng cấp bậc học”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Việt Nam rất ý thức trong việc xây dựng một đội ngũ nhân lực thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, các trường đại học đã rà soát để mở các mã ngành mới đào tạo đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Bộ GDĐT cũng làm việc với một số đại học trong nước và quốc tế tại Việt Nam để thúc đẩy việc phát triển nhân lực chuyển đổi số.
“Mục tiêu của ngành Giáo dục là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Từ đó, góp phần đắc lực thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.
Hội nghị ngày hôm nay với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ ngành, các tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế tại Việt Nam, chính là lời cam kết quan trọng để các bên cùng chung tay góp sức đảm bảo mục tiêu mà ngành Giáo dục đã đề ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
4 vấn đề cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số trong GDĐT
Báo cáo về kết quả chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2007, từ một số ít trường triển khai đào tạo tín chỉ, cho phép người học đăng ký học tập, xem kết quả học tập, đóng học phí online, đến nay hầu hết các trường đại học đã triển khai loại hình đào tạo này. Việc đăng ký thi THPT và xét tuyển qua mạng, các nghiệp vụ quản trị trường học cũng được số hoá, thực hiện trên nền tảng ứng dụng CNTT.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội thảo
Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GDĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GDĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trăcs nghiệm.
Thời điểm dịch COVID-19, với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”, 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GDĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GDĐT giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GDĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GDĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT
Ủng hộ định hướng và quyết tâm của ngành Giáo dục trong việc phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp, có căn cứ và khả thi. Lý do là cuộc cách mạng 4.0 là cơ hội của các đột phá, của những người đi sau nhưng không phải những người đi sau theo cách của người đi trước.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo
“CMCN 4.0 đi liền với việc phá huỷ các mô hình cũ nhưng là sự phá huỷ mang tính sáng tạo. Cuộc cách mạng này tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đánh giá tích cực những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục trong thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành Giáo dục hiện còn “thiếu một công cụ thực thi hiệu quả”, đó chính là các nền tảng số. Đây phải là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.
“Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đại diện các tổ chức quốc tế, các tập đoàn viễn thông hàng đầu Việt Nam và quốc tế tham dự Hội thảo cũng bày tỏ mong muốn được tham gia đồng hành và quyết tâm, sẵn sàng hỗ trợ Bộ GDĐT thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về chuyển đổi số trong GDĐT.
Khép lại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GDĐT. Một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa cũng ký kết hợp tác với Bộ GDĐT để việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục được tiến hành “thần tốc”, “hiệu quả” và “bứt phá”.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục
Theo https://moet.gov.vn